VIỆC CỨU ĐỘ THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG 

 

LUẬT LUÂN LÝ

 

372.Theo Thánh Kinh, Lề Luật là huấn dụ của Thiên Chúa theo lòng thân phụ của mình để chỉ vẽ cho con người đường lối dẫn đến phúc lộc hứa hẹn, cũng như để ngăn cấm những đường lối gian ác. (1975)

 

373.“Lề luật là chỉ thị của trí khôn vì lợi ích chung, được công bố bởi thành phần hữu trách của cộng đồng” (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học, I-II, 90, 4). (1976)

 

374.Chúa Kitô là cùng đích của lề luật (xem Thư gửi giáo đoàn Rôma 10:4); chỉ có một mình Người mới là Đấng giảng dạy và ban phát sự công chính của Thiên Chúa. (1977)

 

375.Luật tự nhiên là việc con người được dựng nên theo hình ảnh Tạo Hóa tham dự vào sự khôn ngoan và thiện hảo của Ngài. Nó nói lên phẩm vị của con người và làm nền tảng cho các quyền lợi cũng như nhiệm vụ của họ. (1978)

 

376.Luật tự nhiên là luật bất biến, tồn tại qua giòng lịch sử. Các qui định phác họa luật tự nhiên này có một giá trị thực sự. Nó là nền tảng cần thiết cho việc thiết lập các qui định luân lý và luật dân sự. (1979)

 

377.Lề Luật Cựu Ước là giai đoạn đầu của lề luật mạc khải. Các qui định về luân lý của Lề Luật Cựu Ước này được tóm lại trong Mười Giới Răn. (1980)

 

378.Lề Luật Moisen chất chứa nhiều sự thật mà trí khôn tự nhiên cũng có thể hiểu được. Thiên Chúa đã mạc khải các sự thật này ra, vì con người không đọc thấy chúng trong tâm trí của họ. (1981)

 

379.Luật Cũ là luật dọn đường cho Phúc Âm. (1982)

 

380.Luật Mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được đức tin lãnh nhận trong Chúa Kitô khi lấy đức ái mà thực thi. Luật Mới được diễn tả trước hết nơi Bài Chúa Giảng Trên Núi và dùng các bí tích để thông đạt ân sủng cho chúng ta. (1983)

 

381.Lề Luật Phúc Âm làm trọn, vượt trên và hoàn hảo hóa Luật Cũ: những lời hứa của Luật Cũ được làm trọn, vượt trên và hoàn hảo hóa bởi các Phúc Lộc của Nước Trời; các giới răn của Luật Cũ được làm trọn, trổi vượt và hoàn hảo bởi việc canh tân tâm trí là nguồn gốc của các việc con người làm. (1984)

 

382.Luật Mới là một thứ luật yêu thương, một thứ luật ân sủng, một thứ luật tự do. (1985)

 

383.Ngoài những huấn lệnh của mình, Luật Mới còn bao gồm cả các lời khuyên của phúc âm nữa. “Sự thánh thiện của Giáo Hội được bảo dưỡng một cách đặc biệt bằng nhiều lời khuyên Chúa đề ra cho các môn đệ của mình trong Phúc Âm” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: 42.2). (1986)

 

ÂN SỦNG VÀ SỰ CÔNG CHÍNH

 

384.Ân sủng của Chúa Thánh Thần ban xuống trên chúng ta sự công chính của Thiên Chúa. Thần Linh làm cho chúng ta trở thành người thông hưởng sự sống của Chúa Kitô khi hiệp nhất chúng ta bằng đức tin và bằng Phép Rửa trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. (2017)

 

385.Như việc cải thiện đời sống, sự công chính cũng có hai phương diện. Được ân sủng tác động, con người hướng về Thiên Chúa và lìa xa tội lỗi, nhờ đó họ được ơn thứ tha và chính trực từ trời. (2018)

 

386.Sự công chính bao gồm việc xá tội, thánh hóa và canh tân con người nội tại. (2019)

 

387.Sự công chính có là do cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô lập được cho chúng ta. Sự công chính này làm cho chúng ta phù hợp với sự chính trực của Thiên Chúa là Đấng công chính hóa chúng ta. Mục tiêu của sự sông chính này là vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Kitô, cùng với ơn được sự sống trường sinh. Sự công chính là công việc tuyệt vời nhất của tình thương Thiên Chúa. (2020)

 

388.Ân sủng là việc Thiên Chúa trợ giúp chúng ta để chúng ta đáp lại ơn gọi của mình trong việc trở nên nghĩa tử của Ngài. Ân sủng dẫn chúng ta vào thâm cung của sự sống Chúa Ba Ngôi. (2021)

 

389.Trong công cuộc của ân sủng, việc khơi động của Thiên Chúa mở đường, sửa soạn và khêu gợi phản ứng tự do của con người. Ân sủng đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của tự do con người, mời gọi tự do hợp tác với mình và làm cho tự do nên hoàn hảo. (2022)

 

390.Thánh sủng là tặng ân nhưng không Thiên Chúa ban sự sống của Ngài cho chúng ta; ơn này được Chúa Thánh Thần phú bẩm vào linh hồn để chữa lành linh hồn cho khỏi tội lỗi cũng như để thánh hóa nó. (2023)

 

391.Thánh sủng làm cho chúng ta “đẹp lòng Thiên Chúa”. Đoàn sủng là các ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần hướng đến ơn thánh hóa và nhắm đến công ích của Giáo Hội. Thiên Chúa cũng tác động bằng nhiều hiện sủng là các ân sủng khác với thường sủng hằng ở trong chúng ta. (2024)

 

392.Chúng ta có thể lập công trước mặt Thiên Chúa chỉ vì ý định tự do của Thiên Chúa cho con người hợp tác với công cuộc ân sủng của Ngài. Công nghiệp trước hết được qui về ân sủng của Thiên Chúa, sau đó mới tới việc cộng tác của con người. Công nghiệp của con người là do Thiên Chúa. (2025)

 

393.Ân sủng của Chúa Thánh Thần có thể ban cho chúng ta một công nghiệp thực sự, nhờ ơn chúng ta được làm nghĩa tử, cũng phù hợp với đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đức ái là nguồn mạch chính yếu của công nghiệp nơi chúng ta trước Thiên Chúa. (2026)

 

394.Không ai có thể lập được ân sủng đầu tiên vào lúc bắt đầu trở lại. Được Chúa Thánh Thần tác động, chúng ta có thể lập công cho chính mình cũng như cho các người khác tất cả mọi ân sủng cần thiết để được sự sống trường sinh, cũng như cần thiết cho các lợi ích ở đời này. (2027)

 

395.“Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi tiến tới mức trọn vẹn của đời sống Kitô hữu và tới mức trọn hảo của đức ái” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: 40.2). “Sự trọn lành Kitô Giáo chỉ có một giới hạn đó là vô giới hạn” (Thánh Grêgôriô Nyssa, De Vita Mos.: PG 44, 300D). (2028)

 

396.“Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy chối bỏ chính mình và hãy vác thập giá mình mà theo Thầy” (Phúc Âm Thánh Mathêu 16:24). (2029)

 

GIÁO HỘI LÀ MẸ VÀ LÀ THẦY

 

397.Đời sống luân lý là việc tôn thờ thiêng liêng. Hoạt động của Kitô hữu được nuôi dưỡng trong phụng vụ và việc cử hành các bí tích. (2047)

 

398.Các giới răn của Giáo Hội liên quan đến đời sống luân lý và đời sống Kitô Giáo được liên kết với phụng vụ và được phụng vụ nuôi dưỡng. (2048)

 

399.Huấn Quyền của các vị Mục Tử trong Giáo Hội nơi những vấn đề đơn giản thường được thi hành qua giáo lý và việc giảng dạy, dựa vào Thập Giới là những gì nói lên các nguyên tắc của đời sống luân lý có hiệu lực đối với mọi người. (2049)

 

400.Là những bậc thầy chuyên chính, Giáo Hoàng Rôma và các vị giám mục giảng dạy cho Dân Chúa đức tin phải được tin tưởng cũng như phải được áp dụng vào đời sống luân lý. Các vị còn có phận sự phải loan truyền các vấn đề luân lý thuộc lãnh vực luật tự nhiên và lý trí nữa. (2050)

 

401.Ơn vô ngộ nơi Huấn Quyền của các vị Mục Tử bao gồm tất cả các yếu tố giáo lý, kể cả giáo lý về luân lý mà nếu không có những giáo lý về luân lý này thì các chân lý cứu độ của đức tin không thể được bảo trì, quảng bá hay tuân giữ. (2051)